Khi dân số đô thị tăng lên, các thành phố phải đối mặt với áp lực tìm kiếm các giải pháp bền vững. Nhu cầu này chưa bao giờ cấp thiết hơn trên toàn thế giới. Kẹt xe, nghèo đói, tội phạm và bầu không khí ô nhiễm là những nhân tố đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân đô thị, điều này dẫn đến nhu cầu cấp thiết phải xây dựng các thành phố thông minh và phát triển đô thị bền vững.
Khi dân số đô thị tăng lên, các thành phố phải đối mặt với áp lực tìm kiếm các giải pháp bền vững. Nhu cầu này chưa bao giờ cấp thiết hơn trên toàn thế giới. Kẹt xe, nghèo đói, tội phạm và bầu không khí ô nhiễm là những nhân tố đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân đô thị, điều này dẫn đến nhu cầu cấp thiết phải xây dựng các thành phố thông minh và phát triển đô thị bền vững.
Với các chính sách đã được ban hành, tại Việt Nam, mô hình nông nghiệp xanh đang ngày càng được người nông dân quan tâm. Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Phân tích về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện BVTV (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NNPTNT) cho hay: Trong hành trình hướng tới nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, cần có những chính sách cụ thể cần sâu sắc hơn nữa. Ví dụ, cần khuyến khích người sản xuất áp dụng các công nghệ mới, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hay phân bón hữu cơ. Thứ 2, cần tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu quy trình, công nghệ, kỹ thuật tiên tiên tiến để áp dụng trên diện rộng. Thứ 3, trong thời kỳ công nghệ 4.0 thì việc áp dụng chuyển đổi số, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến là hết sức cần thiết. Cùng với đó, là việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Thứ 4, cần có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, cơ chế cho vay và thu nợ theo chu kỳ sản xuất của cây trồng, vật nuôi.
Đặc biệt, mục tiêu của nước ta là sản xuất nông nghiệp hàng hóa an toàn và phải có thị trường. Vì vậy, câu chuyện liên kết chuỗi, phát triển thị trường và duy trì được thị trường vẫn là một điều thách thức, TS Liêm cho biết thêm
Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo“4 đúng,” giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật, như: "3 giảm 3 tăng," "1 phải 5 giảm," kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường. Những nghiên cứu đã chỉ ra, ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí methane sinh ra càng nhiều. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ.
Hay mô hình lúa-tôm, lúa-cá… là một trong những mô hình điển hình về thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững. Đây chính là những hướng đi mới phù hợp với thị trường hiện nay bởi trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ.
Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hình thức kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.
Để thực hiện hiệu quả nông nghiệp xanh trong thời gian tới, Việt Nam cần có những bước đi mới, có tầm nhìn dài hạn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp xanh.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp xanh, bao gồm: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã 2023, chính sách phát triển kinh tế trang trại và phát triển kinh tế hộ. Phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã được quan tâm, ngày càng sát với sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó tiếp cận, nhất là nhu cầu vốn lớn cho phát triển nông nghiệp xanh, đề nghị được sử dụng tài sản hình thành trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh nông nghiệp để làm tài sản thế chấp.
Trong sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro kép do thiên tai, dịch bệnh từ những tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu và rủi ro do thị trường vì vậy để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ sản xuất cần có chính sách mở rộng phạm vi đối tượng được bảo hiểm cho nông nghiệp.
Hai là, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị nông sản xanh; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức sản xuất xanh. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi; trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhằm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp. Tổng kết, tuyên truyền và nhân rộng các hình thức hợp tác, liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản xanh. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp xanh gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, nhất là các ngành chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ làm nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, trong đó đặc biệt ưu đãi các doanh nghiệp về các vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Ba là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ.
Xác định khoa học và công nghệ phải là khâu then chốt để tạo đột phá trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, quản lý quy trình từ sản xuất đến thương mại sản phẩm; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất, quản lý nông nghiệp; xây dựng quy trình chuẩn để có thể sản xuất các sản phẩm xanh, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu quốc gia.
Nghiên cứu các chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo; chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp; thực hiện chính sách đặt hàng cho các nhiệm vụ khoa học; hình thành các Trung tâm khoa học công nghệ cho các vùng trọng điểm nông nghiệp; quản lý tốt quy hoạch, xã hội hóa tối đa đầu tư xây dựng khu và vùng nông nghiệp trọng điểm.
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp, năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp xanh của nông dân.
Thực hiện đào tạo nghề cho nông dân theo đề án, dự án sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cho người làm nghề nông nắm vững khoa học, kỹ thuật và các kỹ năng, quy trình sản xuất xanh cần thiết, để nông dân trở thành nông dân “chuyên nghiệp”, có thể làm chủ được quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp trong đào tạo nghề cho nông dân khi tham gia các hợp đồng liên kết. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa trí thức trẻ về công tác tại tuyến xã.
Năm là, đẩy mạnh phát triển thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp xanh; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro theo cam kết, hội nhập quốc tế; tranh thủ kinh nghiệm nguồn lực từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế để phát triển nông nghiệp xanh nhất là phát triển thị trường tín chỉ các bon, canh tác nông nghiệp giảm phát thải.
Các địa phương cần tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hóa với những quy trình canh tác chặt chẽ; đồng thời chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây chính là yếu tố hàng đầu để định vị một nền nông nghiệp xanh.
Nông nghiệp xanh ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Với tiềm năng da dạng sinh học của Việt Nam, với sự lao động cần cù, trí thông minh của nông dân, nếu có chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, với sự liên kết chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp với việc áp dụng nông nghiệp CNC, nông nghiệp kỹ thuật số, phát triển nông nghiệp xanh, Việt Nam tự tin sẽ đạt mục tiêu trở thành cường quốc về nông nghiệp trên thế giới, người nông dân sẽ có thu nhập cao, nông nghiệp Việt Nam không chỉ là trụ đỡ của kinh tế, mà nông thôn Việt Nam sẽ là nơi đáng sống nhất và là điểm du lịch xanh của thế giới vào năm 2050.
Việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp thời gian gần đây, nhất là ứng dụng các thiết bị công nghệ thông minh vào sản xuất được nhiều nông dân, doanh nghiệp phía nam triển khai, mang lại thu nhập cao. Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương trong khu vực tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.
Sau khi trở thành kỹ sư ngành tự động hóa du học bên Pháp, Đặng Dương Minh Hoàng quyết định về Bình Phước xây dựng Nông trang Thiên Nông trồng bơ Mã Dưỡng ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập. Áp dụng công nghệ 4.0 và ứng dụng Internet vạn vật (ioT), tất cả những dữ liệu về độ ẩm của đất, lượng nước tưới, quá trình sinh trưởng của cây trồng đều có thể được thu thập thông qua cảm biến và gửi đến điện thoại thông minh để các thuật toán phân tích, đưa ra khuyến cáo chăm sóc cây trồng một cách khoa học.
Nhờ tạo nên một nông trại thông minh, dù đang trong thời điểm khô hạn nhưng vườn bơ của Minh Hoàng vẫn xanh mướt, độ ẩm đất vẫn mát lạnh, cây trồng vẫn đâm chồi nảy lộc. Hoàng chia sẻ: Chi phí để đầu tư một hệ thống hoàn chỉnh từ hệ thống cảm biến đến hệ thống châm phân, tưới tự động gần 80 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đổi lại người trồng sẽ tiết kiệm được 80% nước tưới, 40% phân thuốc, hàng trăm công lao động mà vẫn giữ được năng suất ổn định, chất lượng nông sản vượt trội. Vườn bơ 12 ha của Minh Hoàng đang cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ ứng dụng Internet vạn vật (ioT) và “số hóa” vào sản xuất nông nghiệp, đây là chìa khóa để bứt phá đem lại thu nhập cao, bền vững.
Trong khi đó, tại xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), Trang trại Bình An Farm do chị Phạm Thị Tuyết Mai làm Giám đốc điều hành rất nổi tiếng với những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC là dưa lưới và nho với chất lượng không thua kém sản phẩm nước ngoài. Năm 2019, Trang trại Bình An bắt đầu thử nghiệm trồng dưa lưới với mong muốn có thêm một sản phẩm để phá thế độc canh của cây thanh long. Bình An chọn ba loại giống dưa lưới của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan để phát triển quy mô lớn, trồng trong nhà màng và đầu tư, áp dụng quy trình sản xuất CNC tiên tiến để cây phát triển ổn định.
Hiện, một tháng trang trại sản xuất được khoảng 40 tấn dưa lưới, giá mua tại vườn dao động từ 50 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg. Cùng thời gian trồng dưa lưới, Bình An cũng thử nghiệm trồng nho sau khi nhận được lời khuyên từ một chuyên gia người Italia cho rằng vùng đất này phù hợp với cây nho. Sau đó, chị Mai đã nhập khẩu giống nho từ Mỹ, Italia và mời chuyên gia dinh dưỡng người Italia sang đầu tư theo công nghệ mới, công nghệ tưới của Israel, công nghệ nhà màng của Italia… Sau ba năm thử nghiệm, đầu năm 2021, nho của Trang trại Bình An đã cho thu hoạch với năng suất 20-30 tấn/ha.
Hiện, toàn bộ diện tích trồng nho sản xuất theo tiêu chuẩn Organic, chuẩn GlobalGAP xuất khẩu đi châu Âu. Trang trại đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các quy trình, phương pháp sản xuất CNC để nâng năng suất nho lên 40-50 tấn/ha. Chị Tuyết Mai cho biết: Trang trại đang sản xuất thanh long ruột đỏ, dưa lưới và nho với diện tích khoảng 100 ha. Trong đó, dưa lưới, nho của trang trại được trồng hoàn toàn trong nhà màng với diện tích khoảng 10 ha, chiếm 1/10 diện tích nhưng lại chiếm tới 30% giá trị sản lượng của trang trại.
Tuy nhiên, việc đầu tư 10 ha này lại bằng, thậm chí lớn hơn 90 ha còn lại do đầu tư CNC như: thiết kế hệ thống tưới, sử dụng máy móc trong chăm sóc, nhân sự có kỹ năng, những chuyên gia về cây trồng, dinh dưỡng… Phải đầu tư CNC vào sản xuất thì mới cho ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.
Tại tỉnh Ninh Thuận, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đã đem lại giá trị sản xuất đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm trên cùng một thửa đất, cao gấp ba lần so với phương thức sản xuất lạc hậu trước đây. Đặc biệt, việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả như ngô, lúa sang mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng doanh thu đạt từ 2-3 tỷ đồng/vụ.
Hay, trồng giống nho mới NH01-152 áp dụng CNC của nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, doanh thu đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Đến nay, toàn tỉnh triển khai hơn 30 cánh đồng lớn sản xuất lúa, ngô, măng tây xanh, nho, với tổng diện tích hơn 3.642 ha; chuyển đổi sản xuất hiệu quả hơn 1.500 ha cây trồng cạn thay cho cây lúa kém hiệu quả trước đây; lựa chọn, xác định được 12 sản phẩm đặc thù và 62 sản phẩm OCOP có lợi thế cạnh tranh để tập trung đầu tư phát triển. Doanh nghiệp và nông dân đã ứng dụng công nghệ thâm canh, sản xuất an toàn theo hướng VietGAP trong nuôi tôm trên cát, trồng nho, măng tây xanh ngày càng được nhân rộng, đã làm thay đổi căn bản tư duy và cách tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại của nông dân, đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với năm 2015.
Trên diện tích 13 ha ở ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang trại Việt đã xây dựng một quy trình khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ. Trong đó, chất thải chăn nuôi gà được dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho trồng rau quả sạch trong nhà màng. Trang trại Việt hiện có hệ thống 20 nhà màng trồng rau, quả sạch với năm loại được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP. Các sản phẩm này được cung cấp tiêu thụ chủ yếu cho hệ thống siêu thị mi-ni tại thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu.
Ông Tính cho hay: Không thể áp dụng y nguyên nhà màng từ nước ngoài về ứng dụng để sản xuất nông nghiệp ở địa phương, bởi nhà màng mỗi nước phù hợp với khí hậu riêng nên bản thân ông đã tự cải tiến ra hệ thống làm mát để điều tiết tiểu khí hậu bên trong nhà màng. Ban đêm có thể kéo nhiệt độ xuống mức 20°C, ban ngày khoảng 30°C để phù hợp cho trồng các giống rau ôn đới ở Xuân Lộc.
Ngày 29/1/2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nuôi tôm CNC. Mục tiêu đến năm 2025, Bến Tre sẽ phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC, năm 2030 là 5.000 ha. Qua năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết tại ba huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC đạt 50% với khoảng 2.000 ha, năng suất bình quân 12 tấn/ha/vụ, cao gấp bốn lần so với nuôi thâm canh trước đây, lợi nhuận trung bình từ 700 đến 800 triệu đồng/ha/vụ nuôi.
Gia đình ông Đặng Văn Bảy, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) thu nhập hơn 10 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm CNC. “Mô hình nuôi tôm CNC phải đầu tư khá lớn, trung bình khoảng 1 tỷ đồng/ha nhưng hiệu quả mang lại rất lớn do không dịch bệnh, nước xử lý kỹ nên tôm nhanh lớn. Cái khó là nông dân cần rất nhiều vốn để đầu tư”, ông Bảy nói.
Để giải quyết những vướng mắc và cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch phát triển nuôi tôm CNC với tổng kinh phí đầu tư hơn 10.705 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, còn lại là vốn của dân, vốn doanh nghiệp đầu tư. Dự kiến đến năm 2025, sản lượng tôm biển ứng dụng CNC đạt 144 nghìn tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 41%, giá trị sản xuất ngành tôm đạt 1 tỷ USD. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Nguyễn Minh Cảnh cho biết: Thời gian tới, Bến Tre triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nuôi tôm CNC và đầu tư nhà máy chế biến tôm…
Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển các mô hình hợp tác, liên kết các hộ nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn; tập trung làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát trển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Cao Tiến Sỹ cho hay: Trên địa bàn đã thiết lập thêm bảy vùng trồng và sáu cơ sở đóng gói để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 108 mã số vùng trồng với diện tích hơn 23.000 ha xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Australia, New Zealand. Ngoài trồng trọt, với thế mạnh là “thủ phủ” chăn nuôi lợn, gà của cả nước, Đồng Nai hiện có 442 trang trại (chiếm 21%) sử dụng công nghệ nuôi chuồng lạnh, chuồng kín.
Tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng bảy vùng an toàn dịch bệnh được chứng nhận theo tiêu chuẩn của tổ chức Thú y thế giới (OIE) để phục vụ xuất khẩu. Cuối năm 2021, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành kế hoạch về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án sản xuất, chế biến nông nghiệp ứng dụng CNC.
Tăng cường chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các dự án cánh đồng lớn để liên kết giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã, hộ nông dân, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng phát triển bền vững.
Là địa phương có gần 90% diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp, với 70% người dân sống bằng nghề nông, Bình Phước luôn đặt nông nghiệp ở vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình phát triển nền kinh tế.
Theo đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, địa phương này sẽ có năm khu nông nghiệp CNC gồm: Đồng Xoài 68 ha với tổng mức đầu tư 264 tỷ đồng; Thanh Lễ 260 ha vốn đầu tư 1.402 tỷ đồng; Đồng Phú 496 ha khoảng 259 tỷ đồng, Hải Vương 650 ha khoảng 2.500 tỷ đồng; Khu trung tâm Nông nghiệp CNC quy mô 300 ha khoảng 179 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Trong chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 có nội dung định hướng phát triển ngành nông nghiệp.
Cụ thể, ưu tiên phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, theo hướng cụm, ngành, sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn. Trong đó, tập trung vào ba nhiệm vụ quan trọng là tạo vùng nguyên liệu, chế biến và liên kết chuỗi…